Home » » Sứ mệnh tầm nhìn và chiến lược phát triển đại học công nghệ

Sứ mệnh tầm nhìn và chiến lược phát triển đại học công nghệ

Written By Unknown on Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014 | 12:03

I. SỨ  MỆNH VÀ TẦM NHÌN
1.1. Sứ  mệnh
 Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến trên cơ sở phát huy thế mạnh về Công nghệ Thông tin và Truyền thông; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước. 

1.2. Giá trị cốt lõi

Tư cách đại học thành viên được hình thành, tổ chức và hoạt động theo mô hình đại học tiên tiến trong một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực với quyền tự chủ cao; nguồn gốc từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giàu truyền thống nghiên cứu và đào tạo trình độ cao, tạo nên triết lý và văn hóa xây dựng phát triển của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) với các giá trị cốt lõi sau đây:

- Sáng tạo: Sáng tạo vừa là bản chất vừa là mục tiêu của khoa học ứng dụng và công nghệ (engineering), lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo đặc thù mà Trường ĐHCN lựa chọn và được giao thực hiện. Trong thực tế truyền thống hoạt động mười năm qua, sáng tạo đã là đặc trưng nổi bật trong hoạt động của Nhà trường: sáng tạo đề xuất và thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển, tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển toàn diện của Nhà trường. Sáng tạo luôn được nuôi dưỡng, khuyến khích, thúc đẩy trong mọi hoạt động và cũng là động lực của quá trình xây dựng và phát triển của Trường ĐHCN.

- Tiên phong: Tính tiên phong luôn song hành với tính sáng tạo. Người sáng tạo ra cái mới tất yếu phải đi đầu trong việc thực hiện cái mới. Phẩm chất đặc trưng của Trường ĐHCN là tính tiên phong, đi đầu trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc đề xuất và thực hiện các giải pháp xây dựng cũng như phát triển mô hình đại học nghiên cứu, thu hút và “bồi dưỡng nhân tài” tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

- Chất lượng cao: Hoạt động với chất lượng cao không chỉ là đặc trưng mà còn là sứ mệnh cao cả của Trường ĐHCN, được nêu trong quyết định của Chính phủ về việc thành lập trường. Chất lượng cao vừa là động lực thúc đẩy mọi mặt hoạt động, vừa là phương châm hành động và mục tiêu phấn đấu của từng cá nhân, từng đơn vị và của toàn thể Nhà trường.
1.3. Khẩu hiệu (Slogan)
                  Trường ĐHCN – Sáng tạo, tiên phong, chất lượng cao.
                  UET – Advanced Technology with Innovation.

1.4 Tầm nhìn
Trên nền tảng khoa học cơ bản vững mạnh, lấy CNTT làm trung tâm để phát triển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu được CNTT hỗ trợ, tạo môi trường phát triển CNTT, trở thành một trường đại học trong nhóm các trường đại học tiên tiến của khu vực và thế giới về khoa học ứng dụng và công nghệ cao, một trường đại học tiêu biểu của hệ thống giáo dục Việt Nam, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của nước nhà.


2. Chiến lược phát triển đến năm 2020
2.1 Mục tiêu chung
Xây dựng tại Trường ĐHCN môi trường giáo dục ĐH chuẩn mực là một thể thống nhất hữu cơ của tất cả các mặt hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cấu thành từ:
- Môi trường đào tạo chuẩn mực.
- Môi trường hoạt động nghiên cứu tích cực.
- Môi trường trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế cởi mở, năng động và thân thiện.
- Môi trường quản lý chuyên nghiệp, văn minh.
- Môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn.
Trở thành một trong ba trường đại học định hướng nghiên cứu về khoa học ứng dụng và công nghệ hàng đầu của Việt Nam, có tên trong nhóm 100 trường đại học tiên tiến khu vực Châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, có đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.
2.2 Các chỉ tiêu và giải pháp
2.2.1. Xây dựng môi trường đào tạo chuẩn mực với hoạt động đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước
a) Chỉ tiêu
- Phát triển quy mô các bậc và loại hình đào tạo hợp lý, cân đối theo tiêu chí của đại học định hướng nghiên cứu.
- Hoàn thiện việc xây dựng và tổ chức đào tạo các ngành và chuyên ngành thuộc hệ thống các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực CNTT, ĐT-VT và các lĩnh vực khác thuộc về thế mạnh và truyền thống của Trường ĐHCN.
- Tiếp tục phát triển đào tạo một số ngành, chuyên ngành công nghệ mũi nhọn có tính liên ngành cao theo phương châm lấy CNTT làm trung tâm, được CNTT hỗ trợ và tạo môi trường phát triển CNTT.
- Đạt các chuẩn mực chất lượng đào tạo tương đương các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Đến năm 2020 đạt quy mô 4800 sinh viên chính quy (đào tạo chất lượng cao và đào tạo đạt trình độ quốc tế đạt tỷ lệ 50%), 1750 học viên sau đại học (đào tạo tiến sĩ đạt trên 10%)
Tổ chức có hiệu quả 3 đến 5 chương trình liên kết đào tạo quốc tế đưa tỷ lệ sinh viên các chương trình liên kết quốc tế đạt khoảng 5% tổng quy mô đào tạo chính quy.
Đạt quy mô khoảng 100 lượt sinh viên nước ngoài và khoảng 100 lượt sinh viên Trường ĐHCN tham gia thực hiện các chương trình trao đổi quốc tế trong đào tạo với các đại học hàng đầu trong mạng lưới các đại học ASEAN, ASAIHL, SATU, UMAP… và các nước khác trên thế giới.
Đến năm 2015, mỗi khoa trong trường có một ngành đào tạo bậc đại học được kiểm định theo hệ tiêu chuẩn AUN; Đến năm 2020, toàn trường có 01 chương trình đào tạo bậc đại học, 01 chương trình đào tạo thạc sĩ được xây dựng, tổ chức đào tạo theo hệ tiêu chuẩn kiểm định ABET và 01 chương trình đào tạo bậc ĐH kiểm định theo hệ tiêu chuẩn này.
Phấn đấu đạt 40% số sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực để nhận được việc làm hoặc được tiếp nhận tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các cơ sở sản xuất, các trường đại học và viện nghiên cứu có danh tiếng trên thế giới.
Hệ thống giáo trình, tài liệu học tập giảng dạy thường xuyên được bổ sung, cập nhật, hiện đại hóa: đến năm 2015 hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu hướng dẫn học tập cho 100% các môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, trong đó 20% tổng số các môn học sử dụng hệ thống bài giảng điện tử.
b) Giải pháp
- Tiếp tục phát triển thêm các chương trình đào tạo mới trong chương trình đào tạo theo nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN; Hoàn thiện hệ thống các chương trình đào tạo trong lĩnh vực CNTT và ĐT-VT; Phát triển thêm một số chương trình đào tạo mới thuộc các ngành và chuyên ngành có tính liên ngành cao phù hợp với năng lực của Nhà trường để đáp ứng nhu cầu sắp tới về nguồn nhân lực công nghệ cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như: Tự động hóa, Khoa học Tính toán, Công nghệ Y-Sinh, Công nghệ Năng lượng...; Tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng quy mô đào tạo chất lượng cao; Tiếp thu và triển khai thực hiện, phát huy tốt các chương trình đào tạo chuyển giao từ Đề án Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội (PUF) trong hệ thống các chương trình đào tạo của Nhà trường.
- Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các quy trình xây dựng chương trình đào tạo, các quy trình tổ chức, quản lý đào tạo để thực hiện tốt và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và phương thức kiểm tra, đánh giá; tiếp tục phát triển hệ thống website môn học; Phát triển và không ngừng bồi dưỡng tăng cường năng lực của đội ngũ cố vấn môn học, đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư vấn học tập cho sinh viên.
- Triệt để tích hợp công tác đào tạo, hoạt động giảng dạy với nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là ở bậc đào tạo sau đại học. Khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực từ trong và ngoài ngân sách để xây dựng các chương trình học bổng và quỹ phát triển hoạt động nghiên cứu KHCN nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh tập trung tối đa thời gian và trí tuệ trong học tập và nghiên cúu, tăng cường chất lượng hoạt động nghiên cứu, thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ…
- Điều chỉnh các chương trình đào tạo hiện có đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới theo hướng tăng hàm lượng thực hành công nghệ, theo phương châm bồi dưỡng, khuyến khích tư duy sáng tạo và năng lực phát minh, sáng chế; Ưu tiên đầu tư xây dựng “Phòng thí nghiệm thực hành liên ngành Cơ – Điện – Điện tử - Tin học Công nghiệp”, hoàn thiện hệ thống các phòng thực tập chuyên đề, thực hành công nghệ chuyên ngành; Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu hướng dẫn thực tập, thực hành theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng công nghệ liên hoàn và tích hợp; Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, bài giảng đảm bảo tất cả các môn học cơ bản và cơ sở đều có giáo trình, bài giảng và tài liệu học tập chuẩn mực; Tích cực xây dựng và phát triển cơ sở học liệu kỹ thuật số.
- Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo, triển khai mô hình đào tạo theo nhu cầu xã hội với tập đoàn IMI của Bộ Công Thương và các tập đoàn công nghiệp khác nhằm đáp ứng sát thực hơn yêu cầu phát triển KT-XH, góp phần tăng cơ hội có việc làm phù hợp đối với người học.
- Áp dụng nhất quán tư tưởng và hệ thống các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, các hoạt động tổ chức, quản lý quá trình đào tạo đến tất cả các hoạt động giảng dạy và học tập; Triển khai tốt các hoạt động thường xuyên đảm bảo chất lượng đào tạo theo hướng kết hợp phục vụ mục tiêu kiểm định chất lượng quốc tế các chương trình đào tạo.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về các chương trình đào tạo và hoạt động của Nhà trường để thu hút và duy trì nguồn tuyển sinh chất lượng cao cho cả bậc đào tạo đại học và sau đại học.

2.2.2. Xây dựng môi trường nghiên cứu tích cực, môi trường trao đổi hợp tác rộng mở, năng động và hiệu quả, tiếp tục củng cố vững chắc và tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển quy mô và nâng cao chất lượng, giá trị thực tiễn của hoạt động khoa học – công nghệ
a) Chỉ tiêu
- Tỷ lệ kinh phí chi cho các hoạt động đào tạo/nghiên cứu/dịch vụ đạt 5/3/2 (năm 2015 đạt 6/3/1).
- Mở rộng các PTN đã đầu tư; Xây dựng mới và khai thác có hiệu quả 3 PTN trọng điểm cấp ĐHQGHN; Phấn đấu có 07 nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn mực quốc tế về hoạt động nghiên cứu.
- Chỉ số xếp hạng lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ nằm trong nhóm 100 trường đại học tiên tiến Châu Á vào năm 2020.
b) Giải pháp
- Tổ chức xây dựng và đăng ký thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu và tăng cường năng lực nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện, tăng cường năng lực và mở rộng đối tượng nghiên cứu của các PTN đã được xây dựng (PTN SIS và PTN Công nghệ Micrô – Nanô) theo hướng các PTN liên ngành, liên hoàn với tính tích hợp công nghệ cao bao hàm cả Công nghệ Y-Sinh, Công nghệ Sinh học Phân tử, Công nghệ Năng lượng, Công nghệ Tự động hóa, Công nghệ Vật liệu và Công nghệ Vũ trụ, Công nghệ Môi trường. Đăng ký và phấn đấu thực hiện tốt các dự án mới đầu tư xây dựng một vài PTN nghiên cứu phát triển sản phẩm và/hoặc xưởng sản xuất chế thử, tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ trong các hoạt động nghiên cứu; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về Khoa học Tính toán, phát triển các hướng nghiên cứu dựa trên Khoa học Tính toán.
- Khai thác và sử dụng có hiệu quả các PTN đã được đầu tư trong giai đoạn trước; Tổ chức các hoạt động KHCN tập trung theo một số hướng nghiên cứu trên cơ sở các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các lĩnh vực đã định hướng trong giai đoạn 2005-2010. Thông qua các dự án đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới thành lập các trung tâm xuất sắc (center of excellence) trực thuộc khoa (hoặc trường) tích hợp với hiệu quả cao hoạt động nghiên cứu, đào tạo đại học và sau đại học theo chuẩn mực chất lượng quốc tế.
- Phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT hiện đại đủ năng lực đảm bảo hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy theo chuẩn mực quốc tế (cơ sở dữ liệu, website...).
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách, cơ chế thống nhất về quản lý, phục vụ, đặc biệt về tài chính để khuyến khích thúc đẩy việc hình thành một cách bền vững môi trường nghiên cứu tích cực trong trường: Hỗ trợ cán bộ khoa học đăng ký đấu thầu các đề tài, dự án trong nước và quốc tế; Hỗ trợ cán bộ khoa học công bố kết quả nghiên cứu ở các tạp chí, các hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành có uy tín; Hỗ trợ cán bộ khoa học trong các hoạt động sở hữu trí tuệ, đăng ký phát minh, sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đối với các sản phẩm nghiên cứu KHCN; Hỗ trợ cán bộ khoa học tham gia các hoạt động trong các hiệp hội ngành nghề chuyên môn trong nước và quốc tế. Xây dựng và áp dụng các tiêu chí đánh giá cán bộ, giảng viên theo hướng tăng dần trọng số đánh giá về thành tích hoạt động nghiên cứu KHCN; Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả kịp thời các quy định về Giải thưởng KHCN và khen thưởng đối với thành tích nghiên cứu của cán bộ và sinh viên.
- Chủ động, tích cực tổ chức và tham gia có chọn lọc tổ chức một số hội nghị, hội thảo khoa học với quy mô và chất lượng mang tầm quốc tế, góp phần thiết lập và tăng cường uy tín khoa học của Trường ĐHCN. Xuất bản Báo cáo Thường niên, các tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo và các tài liệu khác để tăng cường hiệu quả công bố các kết quả nghiên cứu KHCN, tăng cường hoạt động trao đổi thông tin, quảng bá cả trong và ngoài nước về các hoạt động nghiên cứu của Nhà trường.
- Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn cả về đào tạo, nghiên cứu phát triển giải pháp, chuyển giao công nghệ lẫn sở hữu trí tuệ để tăng cường khai thác có hiệu quả các hoạt động KHCN của toàn trường, đặc biệt là của các trung tâm nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và từng bước áp dụng cơ chế tự hoạch toán, chủ động về tài chính cho các hoạt động này.
- Phát triển và mở rộng quy mô các hoạt động hợp tác, liên kết trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là các đối tác chiến lược, có uy tín; Phát triển quan hệ với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các ngân hàng, các quỹ về giáo dục, khoa học, các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước để tăng cường nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu KHCN và đào tạo cán bộ.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Tư vấn Quốc tế; thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Hội đồng Tư vấn Công nghệ từ doanh nghiệp (gồm các thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế).
 

2.2.3 Phát triển tổ chức và đội ngũ cán bộ, xây dựng môi trường quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh
a) Chỉ tiêu
Thành lập mới một số đơn vị trực thuộc: 2 khoa, 5 Trung tâm trực thuộc. Tổ chức lại Trung tâm Máy tính thành Trung tâm Mạng và E-Learning. Thành lập Phòng Truyền thông và Quan hệ Công chúng.
Đến năm 2020: Tổng số cán bộ, viên chức đạt 750 người trong đó có 500 cán bộ cơ hữu (375 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu; 125 cán bộ hành chính, phục vụ), 250 cán bộ hợp đồng (200 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu; 50 cán bộ hành chính, phục vụ). Tỷ lệ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu cơ hữu có học vị tiến sĩ đạt trên 70% và 30% giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư; 50% đội ngũ giảng viên có năng lực giảng dạy bằng ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên nghiệp cao; Hoạt động quản lý, điều hành được áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008.

b) Giải pháp
- Xây dựng tổng thể quy hoạch đội ngũ cán bộ trong toàn trường, cụ thể đến từng đơn vị; Hàng năm có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn vừa đảm bảo quy mô hợp lý, cơ cấu đồng bộ về chuyên môn (lĩnh vực, chuyên ngành), trình độ (học hàm, học vị), độ tuổi và giới tính, có tính kế thừa và phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến mô hình cán bộ nhiều nguồn, nhiều tầng.

- Tiếp tục phát triển và thực hiện tốt mô hình khoa phối thuộc, bộ môn phối thuộc và giảng viên kiêm nhiệm nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các đơn vị mới của Nhà trường.

- Tập trung mọi nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn tài chính để phát triển đội ngũ, chủ động khai thác tốt các nguồn nội lực trong nước và của nhà trường để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ KHCN đầu ngành, đầu đàn thông qua hoạt động nghiên cứu tích cực; Tạo cơ hội và các điều kiện thuận lợi để đông đảo giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu để nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn; Thực hiện chế độ định kỳ nghỉ giảng dạy để tập trung nghiên cứu, trao đổi học thuật và thâm nhập thực tế (cứ 2 năm được nghỉ giảng dạy một học kỳ để tập trung cho hoạt động nghiên cứu hoặc học tập, trao đổi khoa học ở ngoài trường).

- Kết hợp việc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao, chất lượng quốc tế, các dự án nhiệm vụ KHCN, chương trình liên kết, hợp tác quốc tế và khai thác triệt để các nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, cải tiến và tiếp thu công nghệ mới cho mọi mặt hoạt động của Nhà trường.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các chính sách thu hút và bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là đối với các cán bộ đầu ngành, đầu đàn, cũng như cán bộ khoa học trẻ tài năng vào làm việc ở các đơn vị thuộc Trường ĐHCN.

- Xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, định biên theo công việc chuyên môn và chức năng nhiệm vụ; Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn đánh giá năng lực, kế hoạch sử dụng cán bộ, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ.

- Xác định kế hoạch, lộ trình xây dựng và phát triển các tổ chức, đơn vị một cách cụ thể; Giao nhiệm vụ cho các đơn vị và các nhân liên quan để chuẩn bị nguồn lực thành lập các đơn vị mới theo kế hoạch.
2.2.4 Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất – kỹ thuật nhất là trong giai đoạn chưa chuyển lên cơ sở mới ở Hòa Lạc
a) Chỉ tiêu
- Giai đoạn 2011-2015: Sử dụng cơ sở hạ tầng tại khu vực Cầu Giấy
Đến năm 2015, huy động và sử dụng có hiệu quả khoảng 100 tỷ đồng để tăng cường diện tích mặt bằng, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, cải thiện trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
Tăng diện tích mặt bằng thêm khoảng 2000 m2 tại khu vực 144 Xuân Thủy đáp ứng các chỉ số tối thiểu về diện tích mặt bằng phục vụ học tập của sinh viên, mặt bằng làm việc và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên trong toàn trường.
Tỷ trọng nguồn thu bổ sung, bao gồm cả các nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và liên kết đào tạo quốc tế, đạt trên 40% tổng kinh phí hoạt động thường xuyên vào năm 2015.
- Giai đoạn 2015-2020: Sử dụng cơ sở hạ tầng tại khuôn viên mới ở Hòa Lạc.
Ngoài việc tiếp nhận cơ sở mới được xây dựng với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã trang bị sẵn, cần huy động và sử dụng hiệu quả khoảng 200 tỷ đồng để hoàn thiện và khai thác cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô hoạt động của Nhà trường phù hợp với các điều kiện mới.
Tỷ trọng nguồn thu bổ sung đạt trên 50% tổng kinh phí hoạt động thường xuyên vào năm 2020.
b) Giải pháp
- Đảm bảo và nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, xây dựng dự toán và quản lý điều hành mọi mặt hoạt động theo kế hoạch ngân sách; Nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện với chất lượng cao, hiệu quả cao các loại dự án đầu tư để thực hiện tốt các mục tiêu nhất quán ưu tiên đảm bảo và tăng cường đáp ứng các chuẩn mực chất lượng cao cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu; Xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể và toàn diện các hoạt động của Nhà trường với kế hoạch đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp để tranh thủ tối đa các nguồn lực cũng như sự ủng hộ của các cơ quan quản lý các cấp.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, phục vụ tốt cho các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và người học. Xây dựng và triển khai thực hiện các quy trình kiểm tra giám sát, bảo trì, duy tu, sửa chữa các hệ thống kỹ thuật tại các giảng đường; Chăm sóc, bảo trì cảnh quan khuôn viên Nhà trường luôn sạch sẽ, văn minh, đảm bảo môi trường làm việc và học tập lành mạnh, chuẩn mực.
- Triển khai mạnh mẽ các biện pháp, giải pháp mở rộng quy mô và tăng cường độ, chất lượng hoạt động để tăng nguồn thu bổ sung, đặc biệt là nguồn thu từ các chương trình đào tạo chất lượng cao, chất lượng quốc tế, các chương trình đào tạo liên kết (trong nước, quốc tế), các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ KH-CN.
- Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường hệ thống máy tính, kết nối internet, ứng dụng mạnh mẽ CNTT và truyền thông để xây dựng và phát triển môi trường tự học, tự nghiên cứu có hiệu quả cho sinh viên, xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở, học liệu điện tử (giáo trình, bài giảng điện tử, website môn học...). Tiếp tục cấp và tạo điều kiện sử dụng hiệu quả tài khoản internet cho toàn bộ sinh viên của trường, tiếp tục phát triển hệ thống website môn học hướng tới mục tiêu 100% các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành trong toàn trường được vận hành trên website môn học.
- Tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả hệ thống mạng kết nối với các hệ thống mạng nghiên cứu và đào tạo quốc tế; Mở rộng hệ thống mạng kết nối với các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Hà Nội, tiến tới kết nối với các thư viện trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế; Tạo dựng và khai thác có hiệu quả môi trường giao lưu, hợp tác trao đổi trực tuyến như một thế mạnh của Nhà trường.
Share this article :

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Simple Post

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Trường Đại Học Thương Mại Hà Nội - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger